PHÁT BIỂU
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI PHIÊN HỌP CẤP CAO CỦA
HỘI NGHỊ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LIÊN HỢP QUỐC
(Copenhagen, Đan Mạch, 17/12/2009)
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa các Quý vị Trưởng Đoàn các nước,
Thưa các Quý bà, Quý ông,
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất đến các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị quan trọng này. Tôi xin bày tỏ sự đánh giá cao đối với Chính phủ và cá nhân Ngài Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch về những đóng góp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho Hội nghị.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhưng không phải là nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều khu kinh tế và dân cư tập trung ở vùng ven biển, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long không chỉ cung cấp lương thực cho 86 triệu dân Việt Nam mà còn góp phần nuôi sống hàng trăm triệu người trên trái đất vì nơi đây sản xuất khoảng 1/5 tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Nếu nước biển dâng từ 0,75 mét đến 1 mét thì các đồng bằng và vùng ven biển của Việt Nam sẽ ngập từ 19% đến 38%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến đời sống, xã hội và an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.
Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, vì vậy việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi người. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến quan trọng nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việt Nam mong muốn tại Hội nghị này, các nước sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra các thoả thuận quốc tế mới về ứng phó với biến đổi khí hậu với các nội dung chủ yếu sau:
Một là, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và nội dung của Nghị định thư Kyoto với việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới đối với những nước có lượng phát thải lớn tiếp tục là các cơ sở pháp lý cơ bản để cộng đồng quốc tế hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai là, các nước phát triển phải đi tiên phong đưa ra các cam kết mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể giảm phát thải khí nhà kính trong trung hạn, dài hạn mang tính chất nghĩa vụ nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C vào cuối Thế kỷ này.
Ba là, các nước phát triển và các nước có lượng phát thải cao khí nhà kính phải trách nhiệm hỗ trợ cho những nước đang phát triển, hỗ trợ đặc biệt cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thông qua các cơ chế mới về tài chính, chuyển giao công nghệ, sử dụng Quỹ Thích ứng và giúp đỡ các nước này tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bốn là, các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thông qua xây dựng và thực hiện các chương trình hành động giảm thiểu khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng quốc gia (NAMAs) trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Năm là, Cộng đồng Quốc tế cần có một Tổ chức chung để điều phối việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện trách nhiệm này; chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ mà cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế đã dành cho Việt Nam và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cũng là góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới.
Tôi xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp,
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của các Quý vị./.